Giảm tiền phạt thuế nếu số tiền bị phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh

Giảm tiền phạt thuế nếu số tiền bị phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh

Nghị định 125/2020 là căn cứ dùng để xác định số tiền phạt liên quan đến các vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Dù đã có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, nhưng vẫn có một số nội dung cần chú ý ở Nghị định này vì có một số điều khoản có quy định khác rất nhiều so với quy định trước đây là Thông tư 166/2013. Vậy điều chú ý ở đây là gì? Đó là vấn đề liên quan đến xử phạt hành hành chính do vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Dễ dàng nhận thấy tại Nghị định 125 đang có hiệu lực hiện nay đã quy định mức tiền phạt liên quan đến hành vi nặng hơn rất nhiều. Trong khi mức tiền phạt thấp nhất tại Thông tư 166/2013 là 700.000 đồng cho tới mức tối đa là 5 triệu đồng. Nhưng Nghị định 125 thì mức tối thiểu đã là 2 triệu đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng. Do đó, NNT cần chú ý và chấp hành đúng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế để tránh phải nộp khoản tiền do chậm nộp hiện tại rất cao cho dù trễ 01 ngày mà không có tình tiết giảm nhẹ thì cũng sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng.

Vậy có điểm gì mới ở Điều khoản phạt này?

Thực tế tại các biên bản xử phạt VPHC, có một số cán bộ thuế khi áp dụng điều khoản phạt này đã bỏ qua đoạn 2 tại Điểm 5 Điều 13 (Điều 13.5.(2)) vô tình làm quyền lợi của người nộp thuế bị ảnh hưởng.

Cụ thể, khoản 5 có quy định như sau:

“5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.”

Vậy mức phạt từ 15 triệu đến 25 triệu được áp dụng với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày và phải là tờ khai thuế mà có phát sinh số thuế phải nộp. Đi kèm với các điều kiện NNT phải thuộc trường hợp đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước tại các thời điểm:

Thứ nhất, trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế

Hoặc trường hợp thứ hai là trước thời điểm mà cơ quan thuế lập biển bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế mà không thuộc hành vi trốn thuế theo Luật Quản lý thuế quy định.

Như vậy có thể hiểu NNT phải thỏa mãn các điều kiện để áp dụng mức phạt này, nếu thuộc trường hợp tại Điều 13.5.(1) thì mức phạt thông thường sẽ là trung bình khung tiền phạt là 20 triệu đồng. Nhưng nếu thỏa mãn tiếp Điều 13.5.(2) thì sẽ áp dụng như sau: Nếu số tiền phạt của NNT mà lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung tiền phạt tại khoản 4 là 11,5 triệu đồng.

Như vậy sẽ có hai trường hợp sau:

 

Mức tiền phạt 15 -> 25 triệu đồng

Do nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày (Điều 13.5 NĐ 125.2020)

Số tiền phạt của NNT > Số tiền thuế phát sinh * Mức tiền phạt:

Bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp Nhưng không thấp hơn 11,5 triệu đồng

Số tiền phạt của NNT < Số tiền thuế phát sinh * Mức tiền phạt:

Áp dụng mức phạt trung bình là 20 triệu đồng.

Từ đó, có thể hiểu:

Số tiền thuế phát sinh > 11,5 triệu đồng Số tiền thuế phát sinh < 11,5 triệu đồng
Mức tiền phạt = Số tiền thuế phát sinh phải nộp Mức tiền phạt từ mức 11,5 triệu đồng

Vậy nếu số tiền thuế phát sinh lớn hơn 11,5 triệu đồng ví dụ như ở mức 12 triệu thì sẽ dễ dàng áp mức tiền phạt đúng bằng 12 triệu. Tuy nhiên nếu số tiền thuế phát sinh chẳng hạn như là 4 triệu đồng thì lúc này ta chỉ có thể xác định số tiền phạt từ mức 11,5 triệu đồng.

Thực tế áp dụng tại điều khoản này, cơ quan thuế lại áp ở mức 20 triệu đồng đúng với mức tại Điều 13.5.(1). Như vậy, Điều 13.5.(2) thực tế quy định để có lợi và hạn chế mức phạt tiền ở mức có thể cho NNT khi tiền phạt quá cao so với số tiền thuế phát sinh thực tế đã trở nên không có tác dụng.

Do đó, mức tiền phạt không hẳn sẽ ở mức tối đa tại khoản 5 phải là 20 triệu đồng mà có thể áp ở mức thấp nhất là 11,5 triệu đồng để tạo điều kiện cho NNT. Trong khi NNT đã tự động khắc phục khi đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào NSNN trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp của mình.

Trong thực tiễn giải quyết một vụ việc liên quan Cơ quan thuế đã ban hành quyết định mức phạt cố định ở mức 20 triệu đồng, có kèm theo tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần nên tổng mức phạt là 22 triệu đồng, mặc dù tiền thuế phát sinh ít hơn rất nhiều so với mức phạt. Trước vấn đề trên, Chúng tôi đã đại diện Khách hàng đã gửi Công văn khiếu nại cho Cơ quan thuế yêu cầu xem xét lại Quyết định xử phạt dựa trên những lập luận trên. Sau đó, cơ quan thuế đã công nhận toàn bộ nội dung trong đơn khiếu nại và áp mức xử phạt là bằng mức phạt là 11,5 triệu đồng. Do NNT có vi phạm nhiều lần nên có kèm theo tình tiết tăng nặng là mức phạt 10% nên tổng mức phạt cuối cùng mà Cơ quan thuế quyết định là 12.650.000 đồng thay vì bị phạt 22 triệu đồng như Quyết định xử phạt ban đầu.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Giảm tiền phạt thuế nếu tiền bị phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh

 

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết!