Tính thuế và xử phạt cho thuê nhà

Tính thuế và xử phạt cho thuê nhà

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì việc cho thuê nhà, căn hộ là dịch vụ mang lại nguồn thu lớn cho chủ nhà. Khi doanh thu từ việc cho thuê nhà đạt mức quy định thì một trong những nghĩa vụ của chủ nhà khi cho thuê là phải nộp thuế. Tuy nhiên, không ít trường hợp những căn hộ cho thuê mang về nguồn thu nhập lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng mà chủ nhà không đóng thuế, khai thuế thấp hơn thực tế. Do đó, nhằm tránh thất thu thuế trên lĩnh vực này thì ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Cục Thuế đã có kiến nghị thực hiện thí điểm thu thuế việc cho thuê chung cư.

Sau đây, Group Khánh Bình – Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung trên.

1.Điều kiện nộp thuế

Cho thuê nhà, căn hộ chung cư là hoạt động cho thuê tài sản. Hộ gia đình, cá nhân cho thuê nhà, căn hộ có mức doanh thu lớn hơn 100 triệu đồng/năm, tương ứng với 8,3 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.[1]

Căn cứ tính thuế đối với cá nhân cho thuê nhà là doanh thu và tỷ lệ tính thuế.[2]

Về doanh thu tính thuế:

– Doanh thu tính thuế GTGT: Là doanh thu bao gồm thuế của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng và các khoản thu khác không bao gồm tiền phạt, bồi thường.

– Doanh thu tính thuế TNCN: Là doanh thu bao gồm thuế của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng và các khoản thu khác bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường

– Nếu bên thuê trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu:

– Tỷ lệ thuế GTGT là 5%

– Tỷ lệ thuế TNCN là 5%

Số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x 5%
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x 5%

 

2.Thực trạng và giải pháp

Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường cho thuê nhà, chung cư có doanh thu rất lớn bởi nhu cầu của người dân về nơi ở tăng cao nhưng chưa được quan tâm thích đáng. Không ít trường hợp người đầu tư nhiều căn hộ để cho thuê mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng mà không đóng thuế. Ngoài việc không kê khai, tính thuế giá cho thuê nhà, nhiều trường hợp còn kê khai giá cho thuê thấp hơn thực tế. Hơn nữa, việc cá nhân cho cá nhân thuê nhà hay chung cư, nếu không tự nguyện khai thuế thì cơ quan thuế cũng khó phát hiện, quản lý.

Do đó, để chống thất thu thuế thì mới đây Cục Thuế TP.HCM đã có kiến nghị lên UBND TP.HCM quản lý thu thuế trong hoạt động cho thuê căn hộ tại các chung cư, cao ốc.[3] Cơ quan thuế sẽ phối hợp làm việc với UBND quận, phường, cơ quan công an khu vực, ban quản trị chung cư nắm bắt thông tin danh sách các hộ cho thuê, các hộ trực tiếp kinh doanh tại chung cư, rà soát danh sách khai báo tạm trú, tạm vắng để tuyên truyền cho các chủ căn hộ có cho thuê nhà, căn hộ kê khai, nộp thuế cho thuê thông qua ban quản trị chung cư… Để tránh việc kê khai 2 giá thì còn phải vận động cá nhân, doanh nghiệp cho thuê nhà, thuê văn phòng cung cấp thông tin hợp đồng thuê nhà để có căn cứ xác định, so sánh đối chiếu giá cho thuê thực tế và giá theo kê khai nộp thuế của các hộ, cá nhân cho thuê mua nhà, căn hộ, cho thuê văn phòng.

Cục Thuế TP.HCM đã đề xuất thí điểm thu thuế căn hộ cho thuê đối với các chung cư thuộc địa bàn Quận 11, gồm: chung cư Res 11 (205 Lạc Long Quân, P.3); khu nhà ở thương mại Thuận Việt (319 Lý Thường Kiệt, P.15); cao ốc Bảo Gia (184 Lê Đại Hành, P.15); chung cư 70 Lữ Gia (70 Lữ Gia, P.15); cao ốc Khải Hoàn (624 Lạc Long Quân, P.5).

Tuy nhiên, việc cơ quan thuế thực hiện thí điểm chống thất thu thuế cho thuê chung cư, nhà ở trên địa bàn Quận 11 như trên không có nghĩa các địa bàn khác cơ quan thuế không thực hiện. Do đó, mỗi cá nhân khi kinh doanh cho thuê nhà, căn hộ phải trung thực trong việc kê khai nộp thuế.

3.Quy định xử phạt

Hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng thuế cho thuê nhà có thể là vi phạm về thời hạn, vi phạm khai thông tin, vi phạm trốn thuế,…và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Tùy mức độ từng hành vi sẽ có mức xử phạt khác nhau.

Về xử phạt vi phạm hành chính:

Các hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thông báo thay đổi thông tin; nộp hồ sơ khai thuế[4] sẽ bị phạt tiền tối thiểu 500.000 đồng, tối đa là 25.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đầy đủ hồ sơ, buộc nộp số tiền chậm nộp,…

– Các hành vi khai sai thông tin dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp[5] sẽ bị phạt tiền tối thiểu 500.000 đồng, tối đa là 8.000.000 hoặc phạt 20% số tiền thuế khai thiếu,… và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn giảm cao hơn quy định, số tiền chậm nộp,…

– Đối với hành vi trốn thuế[6] có thể bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn và buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế:[7]

Người có hành vi trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính/bị kết án hoặc trốn thuế từ 100.000.000 trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm thì sẽ bị phạt tiền tối thiểu là 100.000.000 đồng, tối đa là 4.500.000.000 đồng và bị phạt tù tối thiểu là 3 tháng, tối đa là 7 năm và còn có thể bị cấm hành nghề hoặc tịch thu tài sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Tính thuế và xử phạt cho thuê nhà”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Group Khánh Bình – Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 4.1.b Thông tư 92/2015/TT-BTC

[2] Điều 4.2 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[3] Tham khảo bài viết “TP.HCM Thí điểm thu thuế nhà cho thuê

[4] Điều 10, Điều 11, Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[5] Điều 12, Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[6] Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[7] Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết!