Thủ tục khôi phục MST do nợ thuế dẫn đến thu hồi GCNĐKKD

Thủ tục khôi phục MST do nợ thuế dẫn đến thu hồi GCNĐKKD

Nhắc đến mã số thuế của doanh nghiệp thì chúng ta đều biết đây là một mã số được cơ quan thuế cấp cho doanh nghiệp để quản lý. Mỗi doanh nghiệp khi thành lập đều sẽ được cấp một mã số thuế duy nhất (cũng là mã số doanh nghiệp được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các DN được thành lập theo luật doanh nghiệp), đối với trường hợp doanh nghiệp có quyết định giải thể hay phá sản; chia, sáp nhập, hợp nhất thì mã số thuế sẽ bị chấm dứt theo. Tuy nhiên, còn có một trường hợp đó là doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD[1]. Vậy theo quy định pháp luật thì khi nào doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận, và để hoạt động trở lại thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục gì để mở mã số thuế? Để giải đáp những thắc mắc trên, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung trên.

  1. Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy CNĐKKD[2] là do cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế với người nộp thuế:

– Có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn thời hạn nộp theo quy định.

– Có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.

– Có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

– Không chấp hành quyết định xử phạt VPHC về quản lý thuế theo thời hạn có ghi trong quyết định xử phạt. (Trừ được hoãn hoặc tạm đình chỉ).

– …[3]

  1. Thủ tục khôi phục mã số thuế khi bị thu hồi GCNĐKKD[4]

Khi được cơ quan thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người nộp thuế có thể đề nghị được khôi phục mã số thuế.

Nếu đã khôi phục mã số thuế, doanh nghiệp sẽ được tiếp tục sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày quyết định khôi phục tình trạng của cơ quan đăng ký kinh doanh có hiệu lực hoặc ngày cơ quan thuế có thông báo khôi phục mã số thuế.

Do đó, để được cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì người nộp thuế phải cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế, cụ thể thủ tục như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp gặp cán bộ quản lý thuế của mình để kiểm tra tình hình hoạt động của công ty và sau đó cán bộ quản lý thuế sẽ hướng dẫn bạn các hồ sơ cần phải thực hiện để khôi phục MST.

Bước 2: Doanh nghiệp sau đó phải liên hệ các đội như kê khai, ấn chỉ, cưỡng chế nợ để kiểm tra tình hình nộp tờ khai thuế GTGT, BC26 và các công nợ mà công ty còn nợ để biết được khái quát nội dung mà mình cần thực hiện.

Bước 3: Sau khi đã kiểm tra tình hình, doanh nghiệp tiến hành chuẩn bị hồ sơ:

– Lên các tờ khai thuế còn thiếu (1)

– Soạn bộ hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế:

+ Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế (Mẫu 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo thông tư 95/2016/TT-BTC);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản photo có đóng dấu treo của công ty);

+ Công văn cam kết không sử dụng hóa đơn tại thời điểm công ty bị khóa mã số thuế;

+ Giấy ủy quyền (trường hợp người yêu cầu thực hiện không phải đại diện pháp luật của công ty, kèm theo CMND/CCCD photo).

Bước 4: Nộp hồ sơ

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa nộp các tờ khai còn thiếu.(1)

– Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ khôi phục mã số thuế cho cán bộ quản lý thuế, trong đó “Công văn cam kết không sử dụng hóa đơn” thì nộp cho đội ấn chỉ.

Chú ý: Ký biên bản làm việc, biên bản phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp tờ khai tại bộ phận một cửa.

Bước 5: Khi đã có biên bản xử phạt vi phạm hành chính

Doanh nghiệp phải nộp các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt VPHC còn thiếu.

Bước 6: Nhận kết quả

Trong thời hạn 05- 07 ngày, doanh nghiệp lên cơ quan thuế nhận văn bản khôi phục mã số thuế khi có thông báo của cán bộ quản lý.

  1. Thủ tục đặt mua hóa đơn của cơ quan thuế

Bởi vì doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế dẫn tới đóng mã số thuế do đó doanh nghiệp sẽ bị đưa vào danh sách “Doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế phát hành”[5]. Rủi ro về thuế có nghĩa là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.[6]

Khi được cơ quan thuế đưa doanh nghiệp vào danh sách doanh nghiệp phải đặt mua hóa đơn của cơ quan thuế thay bằng hóa đơn tự đặt, tự in như trước đây; thì phải thực hiện thủ tục sau:

Bước 1: Liên hệ đội ấn chỉ để đặt mua hóa đơn giấy của cơ quan thuế khi đã được thông báo doanh nghiệp thuộc diện có rủi ro cao về thuế.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ:

– Văn bản cam kết;[7]

– Đơn đề nghị mua hóa đơn;[8]

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản photo có đóng dấu treo của công ty);

– Con dấu vuông của doanh nghiệp có thông tin như tên, địa chỉ, mã số thuế;

– Giấy ủy quyền (trường hợp người yêu cầu thực hiện không phải đại diện pháp luật của công ty, kèm theo CMND/CCCD photo).

Bước 3: Nộp bộ hồ sơ cho cán bộ quản lý thuế

Bước 4: Nhận cuốn hóa đơn do cơ quan thuế phát hành, 01 cuốn hóa đơn gồm có 50 số.

Doanh nghiệp sẽ mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian 12 tháng.

Hết thời gian 12 tháng, căn cứ vào tình hình sử dụng hóa đơn, việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hóa đơn đặt in, tự in để sử dụng thì phải làm đơn đề nghị đến cơ quan thuế. Sau thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ đưa thông báo cho doanh nghiệp có chấp thuận hay không. Nếu chấp thuận thì sẽ được tự sử dụng hóa đơn đặt in, tự in; nếu không thì sẽ phải tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế.[9]

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục khôi phục MST do nợ thuế dẫn đến thu hồi GCNĐKKD”

Group Khánh Bình – Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 39.1.b Luật Quản lý thuế 2019

[2] Điều 125.1.g Luật Quản lý thuế 2019

[3] Điều 124.5, 6, 7 Luật Quản lý thuế 2019

[4] Điều 40 Luật Quản lý thuế 2019

[5] Điều 11 Thông tư 39/2014/TT-BTC

[6] Điều 3.14 Luật Quản lý thuế 2019

[7] Phụ lục 3 Mẫu 3.16 Thông tư 39/2014/TT-BTC

[8] Phụ lục 3 Mẫu 3.3 Thông tư 39/2014/TT-BTC

[9] Mục I.3 Công văn 2010/TCT-TVQT năm 2014

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết!